Một trong những đồ ăn mà cánh mày râu rất thích và có thể nhâm nhi đó là món nhậu. Món nhậu thì có rất nhiều loại, tùy vào thời tiết cũng như mùa trong năm mà có những món nhậu riêng. Dưới đây là những món nhậu khô ngon trong ngày Tết dành cho các đấng mày râu nhâm nhi với nhau để có thời gian trò chuyện.

1. Thịt bò khô

Thịt bò khô là một trong những món nhậu ngon của nhiều người Việt Nam. Thịt bò khô ngon nhất được làm từ phần thịt ở bắp đùi sau của bò. Các gia vị quế, cam thảo, đinh hương, tiểu hồi, đại hồi, thảo quả, vỏ quýt, ớt, gừng, hạt tiêu, hành, đường trắng, rượu, tỏi… là những nguyên liệu không thể thiếu để làm nên món ăn đầy hấp dẫn này. Từng thớ thịt được tẩm ướp kỹ càng, qua nhiều công đoạn chế biến càng trở nên đậm đà quyến rũ. Thịt bò khô là sự tổng hòa của nhiều hương vị: vị ngọt của thịt, mùi thơm của các gia vị gia giảm đi kèm, cùng một chút dai dai, thơm ngon hòa quyện cùng vị cay cay của ớt.

Món ăn này càng trở nên hấp dẫn hơn nữa khi được vắt thêm chút chanh để có được vị chua đầy quyến rũ.

mon-nhau-kho-ngon-trong-ngay-tet

2. Thịt nai khô

Thịt nai là món đặc sản của vùng Tây Bắc và Tây Nguyên Việt Nam. Thịt nai tươi khác thịt bò ở chỗ ít gân, mỡ màu trắng ngà, mềm hơn cả thịt bê, là nguyên liệu tuyệt hảo để làm nên món khô nai (hay còn gọi là thịt nai khô). Cũng chính vì thế mà khô nai ngon miệng và đắt đỏ hơn nhiều so với thịt bò khô. Thịt nai khô ngon là thịt nai không dùng chất bảo quản và hương vị công nghiệp, chỉ mộc mạc một màu nâu sẫm nguyên bản từ hột điều và nghệ, có mùi thơm đặc biệt và rất tự nhiên. Từng miếng nai tươi ngon, giòn dai, ngọt ngọt, hơi cay cay, có màu sắc hấp dẫn, sau khi được nướng qua sẽ tỏa ra thứ hương thơm từ mật ong đầy ngọt ngào, đủ để làm “rớt nước” bất kỳ khuôn miệng nào. Khô nai có thể dùng ăn không, làm món nhậu và có thể vắt chanh vào ăn như thịt bò khô. Ngoài ra cũng có thể chế biến làm gỏi xoài, gỏi cóc, và là quà tặng rất ý nghĩa.

3. Thịt trâu gác bếp

Thịt trâu gác bếp là món ăn đặc sản của vùng Tây Bắc, đặc biệt là trong văn hóa ẩm thực của người Thái đen. Thịt trâu được róc thành từng miếng kiểu con chì, được tẩm ướp bằng các loại lá rừng cùng các loại gia vị như sả, ớt, gừng, và đặc biệt nhất là với mắc kén (một loại tiêu rừng) rồi xâu thành từng xiên, treo lên cao, dùng than củi hun cho thịt chín và săn lại. Thanh thịt đỏ sậm bên ngoài khô nhưng bên trong ngọt mềm và vẫn giữ được hương vị đặc trưng. Từng thớ thịt qua thời gian càng trở nên đậm đà, cộng với vị cay, thơm của các gia vị, quyện với mùi khói om khiến món ăn càng trở nên đặc biệt. Giã mềm miếng thịt trâu gác bếp rồi xé nhỏ như mực nướng, chấm với chút tương ớt cay, nhâm nhi cùng ngụm rượu thì thật thú vị vô cùng.

mon-nhau-kho-ngon-trong-ngay-tet.

Ngày nay, thịt trâu gác bếp không chỉ bó hẹp trong bữa ăn của gia đình người Thái mà theo chân những vị khách đến khắp mọi miền, trở thành một món ăn rất được ưa chuộng, nhất là khi Tết đến, xuân về.

Sau đây chúng tôi sẽ chia sẻ cho các bạn cách làm của một trong 3 món ăn trên đó là món thịt bò khô:

Nguyên liệu làm thịt bò khô:

Thịt bò: 600g, bạn có thể chọn loại bò bắp hoặc thịt bò thăn nhé cho ngon và có thớ thịt dài nhé.
Sả: 50g.
Tỏi: 30g.
Ngũ vị hương: 15g (3 gói, mỗi gói 5g).
Mật ong: 10ml.
Gừng: 1 nhánh nhỏ.
Chanh: 1 quả.
Rau thơm, rau mùi: 50g.
Gia vị: Nước tương, hạt nêm, bột ngọt, ớt bột, tiêu, đường, dầu ăn.

Sơ chế nguyên liệu:

Gừng, tỏi, sả : Làm sạch, băm nhuyễn mịn.

Thịt bò: Cắt lát mỏng theo chiều dài của thớ thịt, bạn lưu ý không được cắt ngang thớ thịt đâu nhé vì như thế khi làm xong món bò khô sẽ bị vụn đấy.

Ướp thịt với: 15g ngũ vị hương, 2 thìa sả, 1 thìa gừng, 1 thìa tỏi, 1 thìa nước tương, 1 thìa hạt nêm, ½ thìa bột ngọt, ¼ thìa đường, ½ thìa tiêu, 1-2 thìa ớt bột (tùy theo khẩu vị ăn cay của bạn nhé), 10ml mật ong và ½ thìa dầu ăn. Ướp trong 10 giờ đồng hồ để cho thịt thật ngấm các loại gia vị.

Thỉnh thoảng bạn phải đảo đều thịt lại để thịt ngấm hết gia vị cho ngon nhé.

Thực hiện làm thịt bò khô:

Bạn xếp thịt vào nồi theo từng lớp rồi đun thật nhỏ lửa trong khoảng 25-30 phút. Khi đun bạn đừng thêm nước nhé vì thịt bò sẽ tự tiết ra nước. Bạn có thể gia giảm thêm gia vị sao cho vừa ăn nhé.

Đến khi nào thịt bò chuyển từ màu đỏ sang màu nâu và nước cạn là được.

Dùng chày, cối giã từng miếng thịt bò khô ra cho mềm sao cho có thể dùng tay xé ra được.

Sau đó, bạn có thể thực hiện theo 2 cách:

– Cách 1: Cho thịt vào lò vi sóng đến khi nào thịt khô vừa là được.

– Cách 2: Bạn cho thịt vào chảo lớn và đảo đều tay với lửa thật nhỏ đến khi thịt khô vừa là được, nhưng bạn phải lưu ý đảo luôn tay chứ không thịt rất dễ bị cháy sém đấy nhé.

Để thịt bò khô nguội hẳn là bạn có thể dùng ngay hoặc cho vào lọ thủy tinh để trong tủ lạnh bảo quản được từ 1-2 tháng mà hương vị bò khô vẫn rất ngon đấy.